Một món bánh với cấu trúc mịn màng, mềm mại như mây cùng với mùi hương thơm béo của sữa tươi, trứng gà và vị ngọt quyến rũ của đường cháy. Tất cả đã tạo nên 1 món bánh tráng miệng vô cùng hấp dẫn chinh phục cả 2 nền ẩm thực Á Âu - đó chính là Bánh Flan (Crème Caramel).
Sơ lược về bản chất khoa học của Bánh Flan
Bản chất của Bánh Flan chính là kết quả của quá trình đông tụ protein (chất đạm) có trong sữa và trứng khi gặp nhiệt độ cao. Quá trình đông tụ protein là quá trình trong đó các phân tử protein kết tụ lại để tạo thành cấu trúc đặc biệt.
Caramel là kết quả của “phản ứng hóa nâu” ngọt ngào bậc nhất trong ẩm thực - phản ứng Caramel hóa. Caramel hóa là quá trình hóa nâu của đường được ứng dụng rộng rãi trong chế biến thực phẩm để tạo ra hương vị ngọt ngào và màu nâu. Khi quá trình này xảy ra, các hợp chất dễ bay hơi được giải phóng, từ đó tạo ra hương vị thơm ngon đặc trưng của caramel. Về bản chất, Caramel vốn là đường ngọt nên sẽ kích thích thần kinh trung ương gây cảm giác thèm ăn, từ đó sẽ gia tăng thêm độ hấp dẫn của món Bánh Flan.
Thông thường tiêu chuẩn của 1 chiếc Bánh Flan ngon sẽ là mềm tan trong miệng, cấu trúc bánh mịn màng, không có rỗ do bọt khí để lại hoặc của nước nhỏ giọt trong quá trình hấp. Hương vị ngọt béo vừa phải, vị trứng, sữa và caramel hòa quyện với nhau, không lấn át nhau.
Hương vị ngọt ngào bắt nguồn từ đế quốc La Mã vĩ đại
Tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu đến nguồn gốc của Bánh Flan. Ít ai biết rằng Bánh Flan lại có nguồn gốc sơ khai từ đế quốc La Mã vĩ đại, khi người La Mã đã bắt đầu thuần hóa được gà để nuôi lấy trứng. Bánh Flan với phiên bản đầu tiên là hỗn hợp của kem, trứng và sữa, có tên gọi là Flado. Nhưng có 1 sự thật thú vị là bánh Flado được xem như 1 món mặn khi được chế biến với thịt và cá. Sau đó Flado được biến tấu thành món ăn ngọt khi bổ sung thêm thành phần mật ong và chính hương vị ngọt ngào thơm béo này đã chinh phục thành công khẩu vị của người La Mã.
Theo tiến trình, đế quốc La Mã đã trở thành lịch sử nhưng món Bánh Flan thơm béo ngọt ngào vẫn còn hiện hữu trong nền ẩm thực phương Tây. Nhưng Bánh Flan thật sự được biết đến với hương vị ngọt thanh đắng nhẹ của đường cháy caramel, vậy đến khi nào món bánh này mới được bổ sung caramel?
Tây Ban Nha, Pháp và hành trình lừng danh của chiếc bánh ngọt ngào
Bánh Flan chỉ thật sự được biết đến rộng rãi và trở nên nổi trội khi du nhập vào Tây Ban Nha. Các đầu bếp Tây Ban Nha với sự tinh tế trong chế biến đã thêm vào bánh hỗn hợp caramel (đường nấu chảy). Từ đây công thức bánh Flan có một chút thay đổi. Món bánh hấp dẫn và bổ dưỡng này bắt đầu nổi tiếng khắp châu Âu, trở thành món tráng miệng được yêu thích ở mọi lứa tuổi.
Trên thế giới hiện nay, nhiều người vẫn cho rằng Bánh Flan là món bánh của Pháp vì vị ngon tinh tế của nó. Nét đẹp lịch lãm, hoàn hảo và đầy dinh dưỡng là đặc điểm của bánh đã nghiễm nhiên khiến nó được mặc định là món bánh có nguồn gốc từ Pháp, dù thực sự không hẳn vậy. Khi người Pháp đến Việt Nam, món bánh flan cũng theo chân họ đến nước ta. Chúng ta có cơ hội tiếp cận một món bánh mềm mịn, ngọt và thơm mùi trứng, ngọt vị caramel và sau đó có thêm các biến thể khác khi được thêm cả cà phê và nước cốt dừa. Nhìn ra thế giới, Bánh Flan có mặt hầu như ở khắp các châu lục. Tùy theo mỗi vùng hay mỗi quốc gia mà món bánh được thêm bớt những nguyên liệu phụ, trở thành vị ngon riêng của nơi đó nhưng bản chất của bánh cũng như cấu trúc của nó không bị thay đổi nhiều.
Việt Nam - khi hương vị thơm béo bản địa và ngoại nhập gặp gỡ và giao thoa
Tại Việt Nam, Bánh Flan có khá nhiều tên gọi Việt hóa như: bánh lăng, caramen,….... Dựa theo tiến trình lịch sử, tên gọi “bánh lăng” có thể phiên âm từ tiếng Tây Ban Nha. Theo guồng quay lịch sử, các giáo sĩ Tây Ban Nha đã du nhập chiếc Bánh Flan đầu tiên vào Việt Nam. Món bánh mềm mịn, ngọt đắng đan xen, nhẹ tựa như bông đã chinh phục khẩu vị của người Việt Nam ngay từ lần đầu tiếp xúc. Cho đến tận bây giờ, người Việt vẫn ưu ái gọi tên chiếc bánh này theo đúng tên gốc của nó – Bánh Flan. Còn tên gọi “caramen” có thể là được phiên âm và giản lược từ tiếng Pháp “Crème Caramel” (hay còn gọi là “kem lộn ngược”) khởi nguồn từ thời kì Pháp thuộc.
Khi du nhập vào Việt Nam, Bánh Flan đã có biến tấu vô cùng đặc sắc là bổ sung thêm thành phần nước cốt dừa khi thưởng thức với cà phê sữa hoặc cho trực tiếp vào hỗn hợp kem trứng để tạo nên món Bánh Flan Cốt Dừa gấp đôi hương vị thơm béo. Đây chính là sức mạnh Việt hóa của nền ẩm thực Việt Nam và là sự giao thoa đầy thú vị mang tính thời cuộc của 2 nền ẩm thực Á Âu. Và cũng chính vì bắt nguồn từ thời kỳ chiến tranh đầy gian khổ và thiếu thốn nên Bánh Flan phiên bản Việt Nam lại được làm từ sữa đặc hoặc sữa bột thay vì sữa tươi như nguyên bản. Điều này cũng góp phần tạo nên 1 nét rất riêng cho món Bánh Flan Việt Nam.
Dần dà, Bánh Flan đã được thêm thắt và biến tấu rất nhiều, điển hình như bổ sung thêm bột mì, bột rau câu, thay hương vị vanilla nguyên bản bằng những hương vị mới lạ như: matcha, lá dứa, dâu tây,…... Và chắc chắn Bánh Flan sẽ còn phát triển hơn nữa bởi vốn dĩ ẩm thực nói chung và ngành bánh ngọt nói riêng luôn là 1 dòng chảy sáng tạo không bao giờ dừng lại.